Ông Võ Văn Hải, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk đã tình cờ mua được một viên đá nặng 1.750g. Viên đá này khi đưa vào máy scan đã hiện lên 243 tấm ảnh độc đáo từ những vệt màu của đá.
Viên đá kỳ lạ này đã được gọi là "Ngoạn thạch vi ảnh" và mở ra một thú chơi đá mới hiện nay. Ngày 30/10 vừa qua, viên đá lạ này đã nhận được kỷ lục Việt Nam với xác lập "Ngoạn thạch vi ảnh - Viên đá ghi nhiều hình ảnh nhất".
"Ngoạn thạch vi ảnh" - một phát hiện mới
Trao đổi với phóng viên Báo KH&ĐS, ông Võ Văn Hải kể: "Năm 1979, tôi khoác lên mình chiếc áo màu xanh của Thanh niên xung phong với những tháng ngày vui tươi và hồn nhiên. Năm 1983, tôi rời lực lượng Thanh niên xung phong chuyển về làm công nhân biên chế ngành thủy sản tỉnh Tiền Giang.
Mặt trước viên đá |
Với ước nguyện được đặt chân lên mọi miền của đất nước, năm 1984, trên chiếc xe đạp Thống Nhất cùng với số vốn ít ỏi mua bong bóng, màu, cọ vẽ, tôi đã rong ruổi đó đây tạo kế sinh nhai, vừa nắm bắt và ghi lại những gì mình bắt gặp.
Năm 1986, tôi lập nghiệp tại TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Từ đây, tôi sưu tầm những hòn đá mà con người đã lãng quên theo năm tháng, trao đổi cùng bạn bè và nếu được giá thì bán lại. Tình cờ hay nói đúng hơn là cơ duyên đã đến khi năm 2003, tôi mua được một viên đá nặng 1.750g với những màu sắc vi diệu.
Viên đá này càng nhìn càng đẹp và bên trong những thớ đá như muốn lộ ra những hình ảnh kỳ bí. Tôi có ý nghĩ muốn khám phá nét đẹp tiềm ẩn bên trong của từng thớ đá, nên đã dùng máy quét viên đá và phát hiện ra những hình ảnh lạ lùng bên trong."
Ông Hải cũng cho biết: Thật ra, nói "Ngoạn thạch vi ảnh" nghe quá mới và khó hình dung, nó là nghệ thuật chơi đá ở góc độ siêu nhỏ, phóng đại vài trăm lần, để diễn đạt cái tiềm ẩn thật sự của thiên nhiên.
243 hình ảnh lạ trong một viên đá
Sự tiềm ẩn ấy đã bừng lên trong Ngoạn thạch vi ảnh với 243 tác phẩm độc đáo được đặt tên như: "Truyền thuyết Thăng Long" - hình ảnh rồng bay lên trong sự hiển ứng của Vua Lý Công Uẩn dời đô. Hành trình "Mở cõi" của Chúa Nguyễn Hoàng, "Mẹ Suốt" - hình ảnh bà Mẹ Việt Nam anh hùng trên dòng sông Nhật Lệ.
Mặt sau viên đá |
Trên hình ảnh quê hương, "Ngoạn thạch vi ảnh" đã cho thấy hình bóng thân thương gồm: "Chiều Sa Pa" - hình ảnh những rặng thông bên nắng vàng êm ả; "Vọng phu" - làm ta luôn hằn sâu xứ Lạng mộng mơ; "Buôn làng" - hình ảnh một Tây Nguyên hùng tráng; "Sắc thu" - hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ trong trang phục áo dài duyên dáng; "Mùa dã quỳ" - một loài hoa dại nở vàng trên những vạt đồi cao nguyên.
Trong cuộc sống và tình yêu, những tác phẩm "Ngoạn thạch vi ảnh" đã hoà vào sức sống thuỷ chung trong tình yêu. "Đợi" - nói lên sự chung thuỷ của tình yêu. "Chờ" - nói lên ước mơ của cuộc sống. "Tình yêu" - nói lên hạnh phúc của lứa đôi.
Đặc biệt, trong sự cảnh báo về môi trường "Ngoạn thạch vi ảnh" cũng có những tác phẩm tương phản như "Nét đẹp nguyên sinh" - biểu đạt sự khải hoàn trong thiên nhiên. "Rừng xưa đâu!" - nói lên sự tàn phá của cái thiếu cảm nhận về môi trường do con người làm ra.
Những bức ảnh được chụp ra từ viên đá |
Trong "Ngoạn thạch vi ảnh" không những chỉ biểu đạt lại hình ảnh quê hương Việt Nam, mà viên đá lạ này còn nói lên những sự kiện lớn xảy ra mang tính quốc tế như "Con tàu huyền thoại" - con tàu Titanic huyền thoại. "Thảm hoạ Hiroshima" - xảy ra năm 1945 (Nhật Bản). "Sự kiện 11/9" - cuộc khủng bố lớn nhất trong lịch sử thế giới (Mỹ)...
Vì mang tính độc bản nên "Ngoạn thạch vi ảnh" sẽ có những khám phá hay hơn, lạ hơn, hấp dẫn hơn. Ông Hải cho hay, viên đá opal do tôi tìm thấy này, theo đánh giá của giới chơi đá cảnh là viên đá mở đường cho một trường phái chơi đá mới ở Việt Nam, đó là loại hình nghệ thuật chơi đá ở một góc nhìn khác.
Từ viên đá kỳ lạ này ông Hải cũng đã viết những cảm nhận về từng bức ảnh trong "Ngoạn thạch vi ảnh" trên cuốn sách lớn và đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập vào ngày 15/3/2011 tại Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột. Tiếp đó, trong lần Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 2 (30/10/2011) tại TPHCM, viên đá cũng đã được xác lập kỷ lục.
Việt Nhân
(bee.net.vn)
0 comments