Bài đăng trên An ninh Thế giới, số Xuân Kỷ Sửu - 2009
(Ảnh do tác giả bài viết chụp lại tập báo)
Ngày nay, khi áp lực của lối sống công nghiệp ngày càng chi phối nghiệt ngã đời sống xã hội thì người ta lại hướng về những thú vui tao nhã một thời vang bóng để hoá giải và tạo thế cân bằng. Đó là các bộ môn nghệ thuật của sự đam mê và lòng nhẫn nại, như non bộ, tiểu cảnh, thư pháp, bonsai v.v... Trong các đối tượng của nghệ thuật cây cảnh, cây mai cổ tự lúc nào đã nghiễm nhiên trở thành linh vật đối với người Việt Nam xưa và nay.
(Ảnh do tác giả bài viết chụp lại tập báo)
Ngày nay, khi áp lực của lối sống công nghiệp ngày càng chi phối nghiệt ngã đời sống xã hội thì người ta lại hướng về những thú vui tao nhã một thời vang bóng để hoá giải và tạo thế cân bằng. Đó là các bộ môn nghệ thuật của sự đam mê và lòng nhẫn nại, như non bộ, tiểu cảnh, thư pháp, bonsai v.v... Trong các đối tượng của nghệ thuật cây cảnh, cây mai cổ tự lúc nào đã nghiễm nhiên trở thành linh vật đối với người Việt Nam xưa và nay.
Điều ít ai biết, ở Đại Lộc, Quảng Nam nghệ thuật Cổ Mai Hoa đến nay phát triển gần như đã là “đạo”...
Mai Hoa biểu tượng của mùa Xuân, quy luật đất trời, đạo đức và khí tiết người Anh hùng...
Cây hoa mai vàng (dưới đây gọi là mai hoa) có tên khoa học là Ochna integerrima, là loài cây hoa cảnh gắn liền với Tết – Xuân, tự bao đời đã trở nên vừa thân thuộc, vừa thiêng liêng với mọi tầng lớp người dân Việt. Từ cổ chí kim, ở Việt Nam, mai hoa, nhất là cây mai cổ thụ nhiều tuổi, từ dáng thế, màu sắc và cả các đặc tính sinh học của nó được cho là chứa đựng nhiều bí ẩn, biểu hiện những ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.
Lịch sử dân tộc ta từng ghi nhận rất nhiều bậc anh hùng, tiền bối đã không tiếc lời ca ngợi, tôn thờ những giá trị thâm hậu mà cây hoa mai mang lại. Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) xem mai hoa như một biểu tượng của đạo đức và khí tiết: “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” (Truyện Kiều); là bạn tri âm, tri kỹ “Mai là bạn cũ, Hạc là người
quen” (bài đã dẫn).
quen” (bài đã dẫn).
Còn Mãn Giác Thiền sư (1052-1096), trong một bài kệ, tương truyền được viết ngay trước khi Sư viên tịch tại chùa Sùng Nghiêm, năm 1096:
“... Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
(Cáo tật thị chúng)
Tạm dịch: Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai. Ở đây sức sống mãnh liệt của hoa mai được đẩy lên đến độ cao trào. Ta hãy hình dung chỉ sau một đêm xuân, trước thềm bỗng xuất hiện - không chỉ một, vài bông hoa - mà là một nhành mai nhất loạt vàng bông rực rỡ, như một sự thăng hoa tuyệt diệu, sự chuyển hoá biến đổi của đất trời.
Tuy nhiên, trong những áng văn, thơ viết về mai hoa do người xưa để lại, nỗi tiếng hơn cả phải là bài thơ bất hủ của Chu Thần - Cao Bá Quát (1809-1855). Bài thơ vốn đã là “slogan”, là “tuyên ngôn nghệ thuật” của không ít nghệ nhân mai cổ thời nay. Xin được trích dẫn nguyên văn:
經世有才皆百鍊
讀書無字不千金
十載論交求古劍
一生低首拜梅花
讀書無字不千金
十載論交求古劍
一生低首拜梅花
Phiên âm Hán - Việt:
Kinh thế hữu tài giai bách luyện
Độc thư vô tự bất thiên kim
Thập tải luân giao cầu Cổ Kiếm
Nhất sinh đê thủ bái Mai Hoa
Thập tải luân giao cầu Cổ Kiếm
Nhất sinh đê thủ bái Mai Hoa
(Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Wikipedia)
“Thập tải luân giao cầu Cổ kiếm. Nhất sinh đê thủ bái Mai hoa” - Người anh hùng có mười năm giao du trong thiên hạ để cầu thanh gươm cổ cùng một đời chỉ biết cúi lạy hoa mai! Ta sẽ thấm thía hơn cái triết lý nhân sinh sâu sắc chuyển tải trong hai câu thơ nỗi tiếng của Cao Bá Quát nếu như ta đặt nó trong ngữ cảnh của cuộc đời kỳ lạ của ông, cuộc đời của một người Anh hùng không hề biết nễ sợ một ai, trong một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt của các thời đại cuối cùng nhà Nguyễn. Khi không còn tin vào Triều thần, Người Anh hùng trong ông có mười năm đi “cầu cổ kiếm”, như kiếm tìm một kế sách để cứu dân, cứu nước. Và ông đã tự đặt mười năm đó vào thế cảnh của một đời chỉ biết “bái mai hoa”! …
Thế mới biết Mai Hoa không chỉ là biểu hiện của mùa xuân, quy luật đất trời, đạo đức, mà còn là biểu tượng cho khí tiết bất diệt của người Anh hùng.
Cổ Mai Hoa ở Đại Lộc...
Trong những năm trước, khi đất nước chuyển mình Đổi Mới, người dân Đại Lộc vốn nghèo trên vùng đất bị chiến tranh tàn phá ác liệt đã phải tìm kiếm cho mình những cách làm ăn mới. Từng nỗi lên rất nhiều tấm gương vượt khó, nhiều nông dân sản xuất giỏi... Trong đó, cây hoa mai từng là đối tượng sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao mà cách đây vài năm trên báo Thanh niên từng có bài phóng sự khá hay (Kỳ nhân ở động mai vàng, tác giả Hứa Xuyên Huỳnh, Báo Thanh niên 2/2005). Tuy nhiên, không dừng lại tại đó, từ một loại cây để “xoá đói giảm nghèo”, “nuôi con ăn học” đến nay mai hoa đã trở thành “bái vật” của một thú chơi đầy công phu đang cuốn hút sự quan tâm của rất nhiều người: Thú sưu tầm và chơi cây mai cổ! Trong mắt của giới sinh vật cảnh, vùng quê Đại Lộc lại được biết đến như một trong những vùng đất sản sinh ra “bộ môn nghệ thuật” này.
Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện nay có đến hàng mấy mươi người ở Đại Lộc chuyên tâm sưu tầm và chơi cây mai cổ, trong số đó không ít người đạt đến trình độ thượng thừa. Không chỉ nắm vững các kỹ thuật, nghệ thuật chăm sóc, tạo dáng, chế tác... cho cây mà qua thú chơi đó, họ còn tạo nên những sức cuốn hút kỳ lạ, làm thổi bùng ngọn lữa đam mê và tình yêu Cổ Mai Hoa trong rất nhiều người. Có người không kể gì đến nợ cơm - áo - gạo - tiền mà thẳng thừng tuyên bố:
“Giàu sang phú quý không màng
Chỉ yêu son sắc một nàng Mai Hoa!...”
Trong số những người đam mê cây mai cổ ở Đại Lộc phải kể đến một vài nhân vật có tên tuổi. Anh Lê Me (Khu 5, Ái Nghĩa) là người đã từng đeo đuổi rất sớm cây hoa mai, từng khai phá hàng chục héc ta đất núi đồi ở vùng giáp ranh Hải Vân để làm trang trại hoa mai, nhưng tiếc thay, do nhiều trắc trở, mộng không thành. Sau đó anh quyết chí làm lại, chuyển sang sưu tầm cây mai cổ. Đến nay, sau quá trình gầy dựng, trong vườn anh đã có đến gần năm mươi cây mai cổ được chăm sóc cẩn thận và thật sự là những tác phẩm có giá trị. Đó là chưa kể mấy trăm chậu mai mi ni để bàn, mai vừa để chơi và bán tết. Anh Nguyễn Chín (Mỹ Liên, Đại Nghĩa) sau mấy năm tích cóp, sưu tầm hiện nay có trong “tay” đến gần trăm gốc; Anh P.Thông (Đại Hiệp) khoảng bảy mươi gốc. Táo bạo hơn, Anh L.P.Th ở Trung An, chỉ sau vài tháng chuyển đổi từ các loại cây cảnh khác sang cây hoa mai, đã tích cóp cã cũ lẫn mới tổng cộng có đến gần trăm cây, mà cây nào cũng quý. Còn danh sách các “sở hữu chủ” ở cấp vài chục cây thì có đến vài mươi người ở khắp nơi trong huyện.
Tuy nhiên, sẽ rất thiếu sót nếu như không nói đến một số người kém may mắn hơn khi không giữ được cho mình một cây nào đáng giá, nhưng nỗi đam mê và cả “tay nghề” của họ thì không hề thua kém bất cứ một ai (ông C. Ph ở Đại Nghĩa, anh B.Đ.B ở khu 8; anh Ng.Q ở Nghĩa Nam, Ái Nghĩa...). Họ là những người yêu và theo đuổi nghệ thuật cổ mai hoa từ rất sớm, đã từng “qua tay” họ đến vài trăm cây, nhưng khốn nỗi cái nghèo đã không giúp họ giữ lại được cho mình những tác phẩm quý giá, máu thịt đó.
Như vậy bằng một con tính đơn giản, ít nhất ở Đại Lộc hiện nay số cây mai cổ đang hiện diện là không dưới năm trăm cây, mà mỗi cây đều là một kỳ tích, thể hiện tất cả những niềm đam mê, tâm huyết mà chủ nhân của nó đã bỏ mồ hôi, lắm khi cả nước mắt để có được nó. Nói không ngoa, trừ những ngày bão lũ, bất cứ thời điểm nào cũng có một vài người Đại Lộc lặn lội khắp hang cùng ngõ hẽm, trên rừng, dưới xuôi, cả trong và ngoài tỉnh truy tìm cây hoa mai cổ thụ để rồi tạo nên một sự dịch chuyển âm thầm nhưng đầy ngoạn mục: Cây mai cổ từ khắp nơi dần dần được đưa về Đại Lộc, hợp thành cái nghĩa tương phùng Cổ - Mai - Hoa - Đại - Lộc!
Những lúc cơm cao gạo kém, nghệ nhân của Cổ Mai Hoa ở Đại Lộc đã phải lăn lộn với rất nhiều nghề, không ngại bất cứ công việc gì, miễn là lương thiện để vừa có thể làm tròn nghĩa vụ ở đời, vừa có thể nuôi thú chơi cây. Cay đắng hơn, còn có người chấp nhận và chịu đựng cả những nỗi oan khiên, điều tiếng để không phải từ giả thú chơi. Hơn ai hết, họ hiểu cái giá mà họ phải trả. Hãy nghe một người trong số họ viết:
“Tôi vẫn biết yêu cây là đau khổ
Khi con thơ réo gọi bố xin tiền
Mai ngoài vườn bọ trĩ hút đảo điên
Mà trong ví chẳng còn xu dính túi…”
(Tự tình với cây)
Tình trạng “chẳng còn xu dính túi” đó đối với người yêu cây, chơi cây là chuyện thường tình nhưng dù vậy, hễ cứ nghe tin ở đâu đó có cây mai cổ thụ đẹp là họ sẵn sàng gát lại hết mọi công việc, lập tức lên đường, để nếu như không đủ cơ duyên được làm chủ sở hữu thì ít nhất cũng được cái vinh dự một lần mục sở thị được cây mai quý!. Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, trong giới chơi cây ở Đại Lộc rỉ tai nhau một tin vào hàng rất “giật gân” là “ở một nơi nào đó mà không biết nơi nào (?) đang có một cây mai cổ rất lớn”. Theo lời đồn, cây mai này lớn đến nỗi cái bộng ở gốc cây được trẻ con... chui vào để chơi trò trốn kiếm rồi ngũ quên trong đó, không ai tìm ra chúng (?). Câu chuyện kỳ lạ, khó tin đó chỉ có thể làm mê hoặc được những kẻ chuyên truy tìm Cổ Mai Hoa, vì chỉ họ, những người vốn được cho là có “tâm thái bất thường” mới có thể tin nỗi. Không ai bảo ai, rất nhiều người bí mật đi tìm, như kiếm tìm một cơ may kiểu “ngậm ngãi tìm trầm” vậy. Cũng như họ, lần đó, tôi cũng bí mật cùng vài anh em lên đường đi tìm cây mà thông tin có được chỉ vỏn vẹn là mỗi cái tên của ông chủ, không một dòng địa chỉ (đó là ông LNT.)!
Chuyển mai về Đại Lộc… Ảnh: LT
Một buổi chiều, sau một hành trình rất đỗi gian nan, cuối cùng điều may mắn cũng đã đến khi chúng tôi tìm được đúng người có tên như mình muốn, không đâu xa, ở ngay trên đất ... Đại Lộc. Đó là một người đàn ông khoảng ngoài sáu mươi, thần sắc hồng hào. Khi được xác nhận đúng tên ông, sau vài câu xã giao, chúng tôi hỏi: “Nghe người ta nói bác có cây mai cổ lớn lắm?”, Ông bình thản xác nhận là “Ừ! có. Nhưng mà răng?”.Quanh co một hồi, ông dẫn chúng tôi ra vườn, chỉ vào một khoảng trống, ông bảo: “Đây nó đây!”. Nhưng chúng tôi chẳng thấy gì cả! Trong lúc chúng tôi còn ngơ ngác không hiểu gì thì ông gằn lại với bộ mặt rất bí hiểm: “Thì đây, chứ còn đâu nữa!”. Sau phút định thần chúng tôi thấy đó chỉ là ... một hố đất rất sâu và đã cũ (?).
Thì ra, cây mai huyền thoại đó từng tồn tại nhưng nó đã chết từ lâu. Cái chết của cây gây nên cho ông một nỗi đau buồn vô cùng tận, đến nỗi ông đã cho người ta đào cả gốc rễ đem đi mất để chóng nguôi ngoai. Nhưng rồi vẫn không yên, nỗi nhớ cây đã khiến ông cố tình giữ lại cái hố đất sâu do cây để lại làm kỷ niệm... Theo lời ông, thời gian gần đây không biết lý do gì mà rất nhiều người lạ đến hỏi ông về cây mai cổ đó...
Và còn rất nhiều câu chuyện ly kỳ, bao hàm đủ cả hỉ - nộ - ái - ố, lắm khi đầy nước mắtvề cây, về người mà trong giới Cổ Mai Hoa Đại Lộc gặp nhau có tán mãi cũng không bao giờ hết...Nhưng rồi “trời cũng phải có mắt”, công sức bỏ ra đó đã được đến đáp. Nhiều cây mai rất quý được phát hiện và mang về Đại Lộc, khiến không ít người trong giới chơi cây phải ghen tỵ. Trong đó phải kể đến một vài cây có “số má” hẳn hoi cùng với những câu chuyện ly kỳ xung quanh nó. Như cây mai có tên “Hồn Việt” của anh Th. mang về từ Điện Bàn (năm 2006), có tuổi hơn trăm năm, dáng thế thanh thoát, là một trong những cây mai quý đang có ở Đại Lộc, từng được báo chí đưa tin (bài Mai vàng lên mạng, tác giả Thuận Nguyên, báo An ninh Thế giới số 724, ngày 16/01/2008). Cây “Ngọc cốt, Thiên chân” của anh Lê Me đem về từ Tam Dân, Phú Ninh (2007), có kích thước to lớn chưa từng thấy, toát lên một cảm giác hùng vĩ đến rợn người. Cây “Hoàng Mai” của anh N.v.Tr. (Đại Hiệp) có nguồn gốc từ Quế Sơn (2008), xinh đẹp như tiên nữ cõi trần, hoành tráng như khổng lồ truyền thuyết.
Nghe đâu, để mua được nó thành công, chủ nhân đã phải cất công bí mật “trinh sát”, “mai phục”, rồi “đánh” (thuyết phục chủ cây đồng ý bán) và đã “thắng” như một chiến công thật sự, khiến cho tất cả các anh em chơi mai ở Đại Lộc vừa sung sướng vừa ghen tỵ v.v...
Một vườn mai cố ở Đại Lộc
“Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu”, quý nhau chút tình, những người có đồng sở đắc sưu tầm và chơi cây mai cổ ở Đại Lộc đã tìm đến nhau, gắn kết để cùng chia xẻ những niềm vui, nỗi buồn và lòng đam mê mà nhiều khi nói ra người ngoài dễ cho là ... bị bệnh hoang tưởng hay tâm thần phân liệt (!). Họ đã tự xây dựng cho mình những website riêng để chia xẻ thông tin cả với giới sinh vật cảnh trên khắp mọi miền đất nước(http://webwarper.net/ww/~av/comaihoa.blogspot.com/ , Comaihoa.blogspot.com , www.quangcaosanpham.com/members/comaihoadailoc ,comaihoadailoc.blogtiengviet.net , blog.yahoo.com/comaihoa) .
Không chỉ quan tâm đến cây mai, các “môn đồ” của Cổ Mai Hoa ở Đại Lộc còn thể hiện nỗi đam mê của mình sang nhiều loại hình nghệ thuật khác. Họ sưu tầm cả các tác phẩm thuộc lĩnh vực thơ văn, hội hoạ, gốm sứ, đá cảnh v.v... có chủ đề liên quan đến mai hoa, qua đó một vài cá nhân cũng đã sở hữu được vài tác phẩm quý. Ấn tượng nhất là bộ đĩa sứ cổ lam thuộc đời Thanh, Trung quốc gồm ba chiếc (Hàn mai, Mai hạc, Mai nguyệt) do anh P.V. Bằng ở khu Mới, Ái Nghĩa sưu tầm được. Trong đó, đặc biệt hơn cả là chiếc đĩa Mai Hạc có in hình con chim hạc, cây mai cổ và hai câu thơ lục bát của Đại thi hào Nguyễn Du:
“Ngêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, Hạc là người quen”.
Theo học giả Vương Hồng Sển (1902-1996), đây là hai câu thơ do Nguyễn Du sáng tác vào năm Quý Dậu - 1813 khi ông là Chánh Sứ sang Trung Quốc, đi thăm một xưởng sản xuất đồ sứ. Biết quan Chánh Sứ An Nam là Đại thi hào nỗi tiếng, tinh thông văn chữ, chủ xưởng đồ gốm sứ Trung Quốc đã xin thơ của ông để đề vào sản phẩm.
Thế là Nguyễn Du đã viết nên hai câu thơ nỗi tiếng này bằng chữ nôm và các nghệ nhân Trung Hoa đã chép lại lên sản phẩm. Do vậy, chiếc đĩa có một ý nghĩa rất lớn về lịch sử, văn hoá, đồng thời nó thật sự là một báu vật đối với các “môn đồ” của Cổ Mai Hoa.
Thế là Nguyễn Du đã viết nên hai câu thơ nỗi tiếng này bằng chữ nôm và các nghệ nhân Trung Hoa đã chép lại lên sản phẩm. Do vậy, chiếc đĩa có một ý nghĩa rất lớn về lịch sử, văn hoá, đồng thời nó thật sự là một báu vật đối với các “môn đồ” của Cổ Mai Hoa.
(Theo “Hiếu cổ đặc san”, khảo về đồ cổ men lam Huế - Vương Hồng Sển – 1970, 1972 và “ Kỹ thuật trồng và ghép mai” - Huỳnh Văn Thới - NXB Trẻ - 1995).
Một vườn mai cố ở Đại Lộc
Triển vọng và những nỗi lòng về Cổ Mai Hoa ở Đại Lộc ...
Với tình yêu và lòng đam mê cháy bỏng của những nghệ nhân Cổ Mai Hoa ở Đại Lộc, chuyện về họ, về cây có lẽ khó có hồi kết. Và tất cả những gì thể hiện trên đây - là người mới thâm nhập một cách rất nghiệp dư vào nghệ thuật Cổ Mai Hoa - tác giả chỉ mong được chuyển tải một phần nhỏ về mặt tinh thần của nghệ thuật chơi cây mà thôi. Còn về giá trị và tiềm năng kinh tế mà cây hoa mai cổ có thể đem lại chưa phải là đối tượng khai thác trong phạm vi bài viết này, cho dù ở Đại Lộc từng có không ít những cây mai cổ được mua về với giá vài triệu mà chỉ sau vài nhát búa điệu nghệ, hoặc đôi lời bình sắc sảo của nghệ nhân thì lập tức đã có những “đại gia” từ Hội An, Đà Nẵng về ngã giá đến bốn, năm chục triệu. Đó là sự thật rất đáng lưu tâm.
Nhưng mộng ước của anh em chơi cây mai cổ ở Đại Lộc thì còn rất cao xa mà không quá xa vời. Nguyện vọng của họ là được tập hợp lại trong một tổ chức hội đoàn thể hay một cao lạc bộ về sinh vật cảnh để chí ít thì họ cũng có được tiếng nói riêng của mình, vừa có thể đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua tai ương, khốn khó, khi Cổ Mai Hoa chưa thể “hoá vàng” ở Đại Lộc. Họ bảo, cũng đi từ cái đơn giản, nhỏ bé, ít ỏi, nhưng sau quá trình xây dựng, những sản phẩm như “Đào Nhật tân”, “Vú sữa Lò rèn”, “Bưởi Năm roi”,... đã trở thành những thương hiệu nỗi tiếng! Vậy thì “Cổ Mai Hoa Đại Lộc”, với những gì đang được bắt đầu một cách tuyệt diệu, thì tại sao không?...
Để kết thúc bài viết này xin được ghi lại hai câu thơ như một sự xẻ chia và cảm kích với những nỗi lòng đau đáu và sự đam mê đến cùng cực của những người đã trót dấn thân vào nghệ thuật Cổ Mai Hoa ở Đại Lộc:
“Ngày phải lo toan Tiền - Cơm - Áo,
Đêm thì mộng mị Cổ - Mai - Hoa...”
Đại Lộc, 10/2008.
Thanh Lê(Lê Thạnh - Comaihoa)
0 comments