Nếu Đào là hoa tiêu biểu cho Tết trên đất phương Bắc thì Mai tượng trưng cho những ngày xuân ở miền Nam. Dù giàu hay nghèo, mọi gia đình đều có một cành mai trong những ngày Tết, nhiều nhà ngoài cây mai già trước sân, cành mai trên bàn thờ ông bà, tổ tiên; trưng mai trong phòng khách và cả trên phần mộ tổ tiên ngoài nghĩa trang. Bởi nó mang đậm bản sắc cho nét cổ truyền dân tộc.
Mai đặc biệt ở chỗ là nó nở rộ vào đúng dịp Tết Nguyên Đán, cánh mai vàng rực được người ta ví như ánh vàng tinh khiết chiếu qua vào ngày đầu tiên của năm. Vì vậy, hoa mai đã trở thành nàng Xuân may mắn mang đến cho mọi nhà vào năm mới.
Hoa mai được các nhà vườn lai tạo, cấy ghép cho ra nhiều loại hoa với các màu sắc khác nhau. Đó là do công sức miệt mài của người lao động để dâng sắc đẹp cho trời. Nhưng dù thế nào thì hoa mai cũng có cấu tạo chung là thân màu nâu xám, sần sùi, khẳng khiu. Lá non lúc mới ra có màu nâu tím nhạt, sau đó chuyển sang màu xanh nhạt, khi già có màu xanh đậm. Lá mai rất dày, nhìn nó hết sức trẻ trung và tươi tắn. Cánh hoa mềm, mịn, có thể là 5 cánh, 10 hoặc 15 cánh xếp khít nhau, chồng lên nhau. Nhị hoa màu vàng.
Với dáng vẻ thật đơn sơ và mỏng manh, mai được người đời xếp trong những loại cây cảnh quý mà xưa nay ta vẫn thường thấy trong mảnh vườn bé nhỏ của mỗi gia đình. Người ta vẫn trồng mai, chơi mai bất kể sang hèn, trí thức hay thường dân.
Đại thi hào Nguyễn Du đã ví mai như một người bạn:
"Nghêu ngao vui thú yên hà - Mai là bạn cũ hạc là người quen."
0 comments